
GIA ĐÌNH, HÃY DÀNH THỜI GIAN CHO NHAU.
Yêu nhau là luôn nghĩ đến nhau và muốn ở bên cạnh nhau, vì tình yêu cần sự hiện diện. Yêu ai thì muốn dành thời gian cho người đó. Ở bên nhau và có thể cùng nhau làm những việc lặt vặt trong gia đình cũng làm cho tình yêu hai người thêm gắn bó với nhau hơn. Những việc vặt tưởng chừng như nhàm chán ấy cũng có thể là phương thế vun đắp thêm cho tình cảm của hai người. Nấu ăn, vệ sinh nhà cửa, làm vườn, đi mua đồ, … cũng là những cách giúp cải thiện tình yêu hai người dành cho nhau. Khi xa nhau, họ cảm thấy trống trải và nhớ nhung về nhau.[1]
Kiếm được việc làm tốt ở xa gia đình có thể có cơ hội nghề nghiệp ổn định, đồng lương tốt hơn, nhưng suy cho cùng, kiếm tiền cũng vì hạnh phúc cho gia đình. Tiền có thể mang lại cuộc sống sung túc, nhưng không thể “mua” được hạnh phúc cho vợ chồng. Vì thế, vợ chồng có thể tìm một công việc gần nhà, chấp nhận lương thấp hơn, nhưng được ở gần nhau. Nếu xa nhau về thể lý, họ rất khó chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, không thể cho nhau chỗ dựa khi mệt mỏi.
Nói đến hạnh phúc gia đình, chúng ta thường mô tả bằng những từ thật đẹp đẽ và được thể hiện qua những giá trị đạo đức rất đáng trân trọng như tình yêu thương, lòng chung thuỷ, tình nghĩa vợ chồng, hy sinh cho con cái, sự quý trọng, hiếu thảo của con cháu với cha mẹ, ông bà. Điều đó đúng, nhưng đồng thời hạnh phúc gia đình cũng được thể hiện qua những việc làm nho nhỏ trong cách ứng xử, đối xử giữa các thành viên, qua những nét sinh hoạt cụ thể, diễn ra hàng ngày trong đời thường, như ăn uống, nghỉ ngơi, chuyện trò, vui chơi trong gia đình. Vì vậy, chúng ta không thể xem nhẹ ý nghĩa của bữa cơm hàng ngày đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình.
Ngày nay, không những vì công việc, mà ngay cả khi họ có mặt trong gia đình cũng có thể không có thời gian trò chuyện với nhau vì bận “dán mắt” vào internet, điện thoại, tivi. Trong buổi Tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 13/11/2015, Đức Phanxicô đã nói: “If parents want to build a strong family life, they must turn off smartphones, computers and televisions and eat together with their children around a table every day.”[2] (Nếu cha mẹ muốn xây dựng một cuộc sống gia đình vững chắc, hãy tắt điện thoại, máy tính, tivi và dùng bữa cơm với nhau, với con trẻ quanh bàn ăn mỗi ngày). Quả vậy, khi gia đình quây quần bên nhau để dùng bữa cơm, bầu khí sẽ ấm lên và giúp cho họ gắn bó với nhau hơn. Nếu như ai cũng “dán mắt” vào các phương tiện ấy, bữa ăn trở nên nguội lạnh.
Bữa cơm là dịp để cả gia đình đoàn tụ sau một ngày sống xa nhau, người lớn làm việc, trẻ em đi học. Hiện nay, có nhiều gia đình, buổi trưa cha mẹ ăn cơm ở cơ quan, con cái ăn cơm ở lớp học bán trú. Tối đến, cả gia đình mới được gặp nhau ở bữa ăn, chuyện trò, thông tin cho nhau về những sự kiện diễn ra trong ngày: con cái đi học điểm bài ra sao, cha mẹ ở cơ quan có chuyện gì đáng lưu ý? ... Nếu không có những phút dành cho nhau bên mâm cơm đầm ấm ấy thì các thành viên trong gia đình chẳng còn lúc nào gặp mặt nhau đủ để tâm sự.
Bài LM: Gioan Quang Huy
[1] Cf. Ngọc Hà, Bách Khoa Tri Thức Gia Đình Trong Cuộc Sống Hiện Đại, op. cit., 16.
[2] Pope Francis, “Parents should turn off smartphones, computers and TVs at meal times and eat at the table with their children every day for a better family life”, 2022, http://www.dailymail.co.uk