
Vào độ trung tuần của tháng 11, cả Giáo Hội đang sống trong bầu khí tĩnh lặng để cầu nguyện cho các linh hồn của những người đã khuất. Cảnh sắc đất trời cũng như đang nín thở để chuẩn bị chuyển mình sang một mùa mới. Thi thoảng có những cơn gió nhẹ tràn về giúp dọn dẹp các lá cây đã vàng ố đang đậu lại trên các cành cây để chuẩn bị cho chúng được mặc một màu xanh tươi mới. Mọi sự thật trầm buồn và thật giống với bầu không khí ảm đạm đã vây bọc toàn xứ Bảo Nham cách đây 137 năm về trước. Thế nhưng, bầu không khí chết chóc ngày ấy đã nhanh chóng bị đánh tan bởi quyền năng của Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, và rồi Mặt Trời Công Chính đã bừng lên tỏa chiếu ánh sáng huy hoàng của niềm vui trên đoàn con cái vừa được cứu thoát. Niềm vui ấy, dấu lạ lớn lao ấy đã được khắc sâu trong trái tim của mỗi người con vùng đất Bảo Nham, trải qua bao thế hệ người ta cứ truyền tai nhau biến cố lịch sử này để cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa và ca ngợi Đức Trinh Nữ Maria.


Vào tối ngày 18 tháng 11 năm 2022, tất cả giáo dân trong toàn giáo hạt Bảo Nham đã tập trung về giáo xứ sở hạt để cùng nhau thực hiện cuộc cung nghinh tượng Đức Mẹ Maria. Hành động đó nhằm tỏ bày lòng sùng kính, mến yêu của đoàn con cái đối với Đức Mẹ. Đồng thời để tôn vinh, ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa, bởi vì ngang lời chuyển cầu của Đức Mẹ mà Chúa đã thể hiện quyền năng, tình yêu và sự quan phòng kì diệu của Người mà thực hiện phép lạ để giải cứu đoàn con cái giáo xứ Bảo Nham khỏi sự truy sát bạo tàn của thời Văn Thân.


Thật vậy, thời bấy giờ đạo công giáo bị coi là dịch tệ, là tả đạo, là việt gian. Người công giáo bị quan quân khắc vào trán, vào má với dòng chữ: “Gia Tô tả đạo”. Tư tưởng “Bình tây sát tả” đã thâm căn cố đế trong tiềm thức tư tưởng của sĩ phu. Chính vì nhận thức sai lệch ấy, nên đã xảy ra sự kiện là vào năm 1885, nghĩa quan Văn Thân, dưới sự chỉ huy của nghĩa binh Nguyễn Văn Ngợi tấn công sát hại giáo xứ Bảo Nham.


Tháng 10 năm 1885, nghĩa quân Văn Thân đã tấn công và bao vây tất cả các họ đạo trong toàn xứ Bảo Nham. Để tránh khỏi bị tiêu diệt, hầu hết các tín hữu của các giáo họ trong toàn xứ Bảo Nham đều lui về ẩn trú trong các hang của núi đá. Biết rõ điều đó nên nghĩa quân Văn Thân đã bao vây tấn công làng Bảo Nham với tư tưởng “cất vó tròn trủ”, hòng tiêu diệt đức tin của toàn giáo xứ. Thế là, vào ngày 12/11/1885, nghĩa quân đã huy động 2000 nghĩa binh và dân binh có đầy đủ vũ khí ồ ạt kéo đến bao vây làng Bao Nham. Lúc bấy giờ, trong làng Bảo Nham có khoảng 1600 tín hữu, trong đó chỉ có khoảng 250 thanh niên khỏe mạnh với 8 khẩu sủng và một ít giáo mác thô sơ. Ngay đêm đầu tiên, (tức là ngày 12/11), nghĩa quân đã giết chết 10 người, và 20 người bị thương nặng trong tình trạng không có đủ thuốc men để điều trị. Trước tình hình nguy cấp ấy, giáo dân đã quyết định ngay trong đêm đó, tất cả mọi người phải rút lên núi đá, tức là núi đá Đức Mẹ hiện nay, nơi có các hang sâu để ẩn núp. Thế nhưng, gót chân của kẻ dữ cũng không buông tha, thay vào đó, chúng đã huy động các lương dân của những vùng lân cận tập trung rơm, rạ, ớt cay và thuốc lào chất đầy các cửa hang mà đốt nhằm tiêu diệt giáo dân đang ẩn núp bên trong bằng hơi cay và sức nóng.

Tin dữ này đã đến tai cha Adolpho Klingle (tên thường gọi là Cố Thông), lúc bấy giờ đang ở Xã Đoài, nên cha đã cấp tốc quy tụ được một nhóm người khoảng 300 thanh niên mà cha đã kêu gọi từ các giáo xứ nằm hai bên tuyến đường từ Xã Đoài đến Bảo Nham, với một ít vũ khí rất thơ sơ. Chỉ một nhóm người ít ỏi với vũ khí là một ít khẩu súng và các dụng cụ thô sơ như giáo mác mà đối đầu với một nghĩa quan hùng mạnh lên đến trên 2000 người với vũ khí tối tân, đây quả thực là một điều không tưởng để mơ về một chiến thắng. Thế nhưng, với số quân khiêm tốn này, trước khi lên đường, cha Klingle đã cầu nguyện và phó dâng đội quân cùng với toàn thể giáo dân đang lâm nạn cho Đức Mẹ, xin Mẹ ra tay giải cứu. Lời cầu nguyện ấy cùng với tiếng khóc ai oán của đoàn con khốn khổ đã chạm đến trái tim vẹn sạch và đầy yêu thương của Đức Mẹ. Thật vậy, đang lúc giằng co giữa sự sống và cái chết, giữa sự thiện và sự ác thì bỗng nhiên, trên bầu trời Bảo Nham lúc bấy giờ xuất hiện một dấu lạ lớn lao, đó là một đám mây đen ùn ùn kéo đến che rợp cả làng Bảo Nham, đồng thời, một trận mưa rất lớn ào ào trút xuống dập tắt ngọn lửa hung tàn và xua tan sức nóng trên các phiến đá do ngọn lửa ác thần gây ra. Sau trận mưa hồng ân đó, kẻ dữ sợ hãi tháo chạy, còn giáo dân ẩn núp trong các hang của núi đá từ từ bước xuống, lòng đầy cảm động, họ ôm choàng lấy nhau mà khóc, những dòng nước mắt của sự vui sướng vì vừa được Đức Mẹ thương giải cứu trước cái chết cận kề.

Tấu lạy Bà, quả thật Bà vinh hiển,
Ôi cao vời trên cả chín tầng mây,
Chúa Giê-su, Ðấng đã dựng nên Ngài
Là Thánh Tử, chính Ngài cho bú mớm !
Ân sủng mất tại E-và xuẩn động,
Tay Ngài phục hồi nhờ bởi Chúa Con,
Ðể từ đây nhân loại hết tủi hờn,
Ðược Ngài dẫn vào thiên đường vinh phúc !
Ngài chính là cửa ngọ môn sáng rực
Ðã mở ra cho Thiên Tử giáng trần,
Hãy reo hò, nào muôn nước muôn dân,
Này Trinh Nữ tặng cho ta Nguồn Sống !
Lòng hớn hở, xin hợp lời ca tụng
Dâng Chúa Cha cùng Thánh Tử, Thánh Thần,
Lượng hải hà đã ghé mắt từ nhân
Cho Ngài mặc áo hồng ân tuyệt diệu.
(Thánh thi kinh chiều sáng – lễ Đức Mẹ)

Khắp nơi trên hoàn vũ lòng yêu mến và sùng kính Đức Trinh Nữ Maria luôn được thể hiện một cách rất sống động bằng nhiều hình thức khác nhau. Riêng tại vùng đất Bảo Nham này, lòng mến yêu và tôn kính ấy còn được thể hiện một cách đặc biệt hơn nữa. Thật vậy, cảnh phụng vụ huy hoàng và sốt mến của đêm 18 tháng 11 còn chưa kịp phai mùi thánh thiện, thì rạng sáng 19 tháng 11 (tức là ngay ngày hôm sau) Trung tâm hành hương núi đá Đức Mẹ Lộ Đức Bảo Nham lại nhộn nhịp giáo dân từ khắp nơi trong và ngoài giáo hạt đổ về để tỏ bày lòng mộ mến đối với Đức Mẹ. Thánh lễ được chủ sự bởi Đức giám mục phụ tá: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, và có đông đảo quý cha trong và ngoài giáo hạt cùng đồng tế với ngài. Khi bài giảng lễ của đức cha chủ sự đang đi vào phần kết thì trời đổ cơn mưa rào. Cơn mưa ấy mặc dù đã phá hủy đội hình của giáo dân tham dự thánh lễ vốn đã được sắp xếp rất ngay hàng thẳng lối, nhưng lòng yêu mến Đức Mẹ và tâm tình sốt sắng hiệp dâng thánh lễ thì vẫn mãi y nguyên. Quả vậy, cơn mưa ấy đã giúp gợi nhớ lại cơn mưa hồng ân mà Đức Mẹ đã thương thực hiện cách đây 137 năm về trước, cũng ngay tại vùng đất Bảo Nham này, để giải cứu đoàn con cái thoát khỏi âm mưu tàn độc của thời Văn Thân. Như thế, cơn mưa ấy không những đã không thể ngăn cản được giáo dân hiệp dâng thánh lễ mà trái lại, nó còn giúp giáo dân tăng thêm lòng tôn kính Đức Mẹ để từ đó lại càng có nhiều tâm tình với Mẹ hơn như lời Thánh thi sau đây diễn tả:

Ôi lạy Mẹ Ma-ri-a từ ái,
Xin nhận lời khấn nguyện kẻ phù sinh
Ðang thiết tha cầu lượng cả thương tình
Hằng đổ xuống muôn ơn lành che chở.
Xiềng tội ác, ôi nặng nề ghê sợ,
Mẹ đoái thương nâng đỡ kẻ yếu hèn !
Ðây tấm lòng còn vướng mắc tội khiên,
Nài xin Mẹ khấng mau mau tháo cởi.
Nhìn thế sự những lọc lừa gian dối
Chỉ trông chờ Mẹ dẫn dắt mà thôi,
Kẻo khi lòng quên tưởng nhớ Nước Trời,
Ðường cứu độ, sẽ thờ ơ chểnh mảng.
Khi thân xác gặp rủi ro hoạn nạn,
Mẹ phù trì cho chóng khỏi mau qua,
Ðể chúng con vui sống cảnh thái hoà,
Chờ ngày thấy phúc trường sinh rạng rỡ.
Một mai lúc bước vào giờ lâm tử,
Mẹ nhân lành, xin bảo vệ đỡ nâng,
Ðể chúng con được chuẩn bị sẵn sàng
Theo gót Mẹ vào cõi trời hằng sống.
Lòng hớn hở, xin hợp lời ca tụng
Dâng Chúa Cha cùng Thánh Tử, Thánh Thần
Lượng hải hà đã ghé mắt từ nhân
Choàng cho Mẹ áo hồng ân tuyệt diệu.
(Thánh thi kinh chiều I – lễ Đức Mẹ)
Ước gì lòng sùng kính đối với Đức Trinh Nữ Maria ngày càng được thể hiện cách đậm đà hơn nữa cả bề trong lẫn bề ngoài, ước gì danh thánh của Mẹ nơi vùng đất Bảo Nham thân yêu này ngày càng được nhiều người biết đến, để ngang qua lời chuyển cầu thần thế của Mẹ mà Chúa sẽ thương ban nhiều hồng phúc xuống trên đoàn con cái của Ngài.
Giuse Nguyễn Văn Chính, M.S.A
Xem thêm hình ảnh
Toàn Giáo hạt cung nghinh Kiệu Mẹ về Quảng trường
Cuộc rước, Đại lễ Kỷ Niệm 137 năm Đức Mẹ giải cứu con cái Bảo Nham